Những người bạn lớn

Tuần vừa rồi, tôi xin nghỉ làm 4 ngày. Trong đó có 3 ngày tôi dành để tới thành phố Charlottesville, bang Virginia. Khác với những chuyến đi bình thường, lần này tôi ngồi trên xe tổng cộng là 16 tiếng trong trời mưa tuyết chỉ để tới thăm một người bạn.

Người bạn đặc biệt này, hơn tôi rất nhiều tuổi. Cô C (xin phép được giấu tên) là một người phụ nữ tuyệt vời. 6 năm kể từ ngày gặp cô, tôi luôn tự hỏi tại sao một người cả đời sống trong căn nhà nhỏ ở vùng ngoại ô vắng vẻ, làm bạn với mèo và lũ chim lại có thể luôn vui vẻ, hài lòng tới vậy.

Chúng tôi hay trao đổi về sách bởi trong thời gian rảnh rỗi, cô tham gia tình nguyện ở một thư viện địa phương nên biết rất nhiều đầu sách thú vị.

Mỗi lần tôi qua nhà cô ngủ lại, chúng tôi thường ngồi bệt dưới thảm, ngắm nghía chú mèo đen lông xù của cô yểu điệu nhảy từ sopha lên bệ cửa sổ để tắm nắng. Ngồi bên cô, tôi luôn có một cảm giác bình yên đến lạ kì – như thể tất cả những nỗi lo âu đều được đám chim ngoài cửa “gặm nhấm” giùm hết rồi.

Mùa đông 3 năm trước, khi người bạn trai cũ của tôi nói lời chia tay – cô đã nắm tay tôi và nói chắc nịch “His loss.” 

Mùa đông năm nay, mưa rả rích ngoài cửa sổ, cô nằm trên chiếc giường ở một nơi mà người ta hay gọi là “trạm cuối cùng của cuộc đời” – phòng bệnh của những người đang hấp hối. Cô chỉ còn nói được một vài từ ít ỏi không đầu không cuối, những vẫn mỉm cười như chưa hề có chuyện gì xảy ra. TV đang chiếu “Thị trấn của chúng ta,” một bộ phim trắng đen với cái kết buồn. Chỉ có những nhánh thuỷ tiên vàng rực đựng tạm trong trước cốc nhựa trên bàn là vẫn còn tươi, rung rinh trong nắng như muốn xoa dịu bầu không khí ảm đạm.

Ra về, tôi khẽ nắm tay cô và nói “Cảm ơn vì tất cả.”

———

Trong những năm tháng sống xa nhà, tôi may mắn được gặp và làm bạn với nhiều người lớn tuổi. 

Còn nhớ năm học lớp 12, tôi có đọc một quyển sách với tựa đề “Thứ Ba với Morrie,” kể về chính câu chuyện của tác giả Mitch Albom khi nghe tin vị giáo sư năm xưa của mình mắc căn bệnh hiểm nghèo ALS (xơ cứng teo cơ một bên) đã dành mỗi thứ ba hàng tuần để lái xe tới ngồi trò chuyện cùng thầy cho tới khi ông ra đi. Và mỗi thứ ba, thầy Morrie lại dạy cho Mitch một bài học quý giá về cuộc sống. Tôi đã nghĩ tình bạn kiểu ấy chắc chỉ tồn tại trong tiểu thuyết. Không ngờ, khi lên đại học, tôi lại gặp được giáo sư D. 

Giáo sư D là một người vô cùng lịch thiệp và giỏi ngoại giao. Thầy luôn mặc vest, giắt chiếc khăn tay thơm phức ở túi áo và chống cây batoong “quyền lực.” Ngày tôi còn ngồi trên giảng đường, thi thoảng thầy lại gửi một bài báo hay cho tôi qua emai hay mời tôi ăn trưa. Chúng tôi chẳng bao giờ thiếu chuyện để nói, từ chính trị xã hội tới văn học nghệ thuật. Thầy là người giới thiệu để tôi có thể gặp mặt nói chuyện với tổng biên tập tờ New York Times, đơn giản bởi thầy biết tôi rất yêu thích ngành báo chí. Có lần tôi hỏi, “Sao thầy bận vậy mà vẫn có thời gian email với gặp đứa sinh viên quèn như em?” 

“Bởi vì thầy muốn làm bạn với em. Và việc xây dựng một tình bạn giống như trồng một cái cây. Nếu em không tưới nước cho nó hàng ngày, thì sẽ chẳng có cái cây nào lớn được cả. Mỗi khi em thấy thứ gì khiến em nghĩ tới một người nào đó, hãy cho họ biết.”

Khi nói chuyện với những người từng trải, tôi như được nhìn cuộc sống dưới một lăng kính khác. Những nỗi buồn tưởng chừng thảm thiết, những khủng hoảng của tuổi trẻ tưởng chừng chẳng có lối thoát, qua góc nhìn cuả những “người bạn lớn” lại thấy sao mà nhẹ nhàng, chẳng đáng phải tốn nhiều mồ hôi nước mắt tới vậy. 

———

Ngày nghỉ thứ tư, tôi dành để tới đám tang của cô C. Đó là một ngày không dễ chịu chút nào. Nó giống như cảm giác khi giúp giáo sư D cất đi cây batoong quen thuộc để chuyển sang chiếc xe lăn vậy. Chỉ có những nhành thuỷ tiên là vẫn vàng rực một góc sân…

Thời gian không đứng về phía họ, nhưng như giáo sư Morrie đã nói với Mitch, “Khi bạn đã tìm được ý nghĩa của đời mình, thì bạn chỉ muốn đi tiếp chứ chẳng bao giờ muốn đi ngược lại.” Họ khiến tôi nhận ra việc già đi thật ra lại là một đặc ân.

Tôi hay gọi họ là những thiên thần hộ mệnh của tôi – những người tình cờ dừng chân trong cuộc đời tôi, đồng hành với tôi trên một đoạn đường nhỏ, rồi rời đi. Nhưng tôi biết một điều rằng những cái cây tình bạn ấy, sẽ lớn mãi về sau – Viết cho những người bạn lớn, với lòng biết ơn chân thành nhất.

1 Comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.