Những điều khiến trái tim trở nên trìu mến

Một cuốn sách cổ tôi đã đọc và rất mê là The Pillow Book của Sei Shonagon. Đây là cuốn nhật ký của một thị tỳ chăm sóc cho hoàng hậu dưới thời kỳ Heian (Bình An)  – giai đoạn đỉnh cao của thi ca, nghệ thuật dưới quyền lực Nhật Hoàng.

Thị tỳ Shonagon của thế kỷ 10 là một cô gái trẻ tinh nghịch, yêu ghét rõ ràng, rất có chính kiến. Cô xem Hoàng Cung là nhà, luôn tìm vui trong công việc hàng ngày như chuẩn bị yến tiệc hay tháp tùng các hoàng hậu lên chùa hành hương. Mỗi khi được gặp ai hay nhìn thấy gì đó mới, cô nàng đều chăm chỉ ghi chép lại.

Bởi vậy, “Sách Gối” bao gồm những mẩu chuyện, bài thơ không đầu cuối với danh sách những thứ Shonagon yêu thích cũng như điều làm cô khó chịu. Khi đọc những danh sách này, đầu tôi chỉ hiện lên một chữ: random! “Những thứ đáng sợ,” “Thứ đáng lẽ phải ngắn,” “Thứ đáng ra phải bự,” “Thứ khiến người ta bối rối,” “Những thứ chán chết”…?! Tất cả đều ngẫu nhiên như “từ trên trời rơi xuống” khiến tôi không khỏi phì cười thích thú. Dưới đây là vài đoạn tôi thích trong “Sách Gối”:

NHỮNG THỨ HIẾM:

• Chàng rể được bố vợ khen ngợi, cô con dâu được mẹ chồng yêu quý.

• Một cái nhíp bạc “giỏi” trong việc nhổ tóc.

• Một người giúp việc không bao giờ nói xấu chủ của mình. Một người chủ hài lòng tuyệt đối với người giúp việc.

• Một người không kì dị và bất hảo trên bất cứ khía cạnh nào trong cuộc sống. Nói tóm lại là hoàn hảo về mọi mặt.

• Những người đã sống chung nhưng vẫn tỏ ra khiêm tốn, khép kín, ngại ngùng với nhau.

• Một cuốn sổ đã được sử dụng mà không dính một vết mực lem nhỏ nào.

• Khi hai con người giữ được lời hứa sẽ làm bạn tốt suốt đời.

• Tấm vải sau khi được hồ xong đẹp tuyệt vời tới mức mọi người phải chảy nước mắt vì ngưỡng mộ.

NHỮNG THỨ GÂY XÚC ĐỘNG

• Một đứa trẻ hiếu thảo và biết tôn trọng người lớn.

• Gà mái mẹ đang nằm ấp cho đàn gà con. Tiếng khóc của một chú nai.

• Tỉnh dậy lúc chạng vạng hoặc nửa đêm.

• Hai người trẻ rất yêu nhau nhưng lại bị cấm cản bởi một ai đó.

• Rặng tre bên sông lung lay trước gió vào buổi tối.

• Ngôi làng nằm trên núi giữa mùa đông lạnh giá.

• Cánh đồng mùa thu.

• Những thầy tu già làm lễ.

Bạn đã bao giờ tự giải nghĩa cảm xúc của chính mình? Hoặc ngồi lại ngẫm nghĩ về vạn vật quanh bạn mỗi ngày?

Có những hôm ngồi trên một chuyến tàu dài, tôi để ý từng khuôn mặt của mỗi người và cố suy luận xem họ đang nghĩ gì. Bác trai kia đang ưu tư đọc báo, người phụ nữ da màu ngân nga hát, người ông đang giải thích cho cháu gái điều gì đó nghe chừng phức tạp. Có những buổi ngồi cafe, anh bạn thân Alex nhìn ra cửa kính, nhíu mày bảo tôi “Ê, Syl đoán thử xem anh bạn gầy dong dỏng đang băng qua đường kia có một cuộc sống như thế nào? Có đang khổ sở vì luận án tốt nghiệp như bọn mình không?” Tôi đánh trêu Alex một cái, nhưng trong lòng cũng băn khoăn không kém.

Trong “Sách Gối,” Shonagon có ghi lại một danh sách dán nhãn “Things That Make the Heart Grow Fonder” – “Những thứ khiến trái tim ta trở nên trìu mến hơn.” Tôi hôm nay cũng xin “chôm chỉa” ý tưởng này, liệt kê ra một vài điều giản đơn đem lại cho tôi cảm giác hạnh phúc, sự thư thái, và cả niềm tiếc nuối nhè nhẹ mỗi khi nhớ về:

NHỮNG ĐIỀU KHIẾN TRÁI TIM TÔI TRỞ NÊN TRÌU MẾN

• Đi làm về. Gội đầu thật sạch. Đan ngón tay qua mớ tóc bù rối để hong khô. Đốt nến mùi sả cam, thơm bằng cả mùa hạ và đông cộng lại. Đắp mặt nạ. Đọc vài trang sách diễm tình. Lăn ra ngủ lúc nào không biết.

• Ngồi ở một quán cà phê xinh đẹp, nói vài câu chuyện phiếm với anh chàng phục vụ vui tính, “Trời hôm nay đẹp nên tặng em thêm đĩa bánh ăn thử.” Rót trà hoa cúc từ chiếc ấm sứ trắng. Cắn miếng bánh qui mứt “vân tay” chua chua ngọt ngọt. Một mẩu bánh, một ngụm trà. Ngắm người qua lại. Lôi sổ tay ra, viết viết.

• Những ngày thứ bảy trong năm. Hai đứa sáng dậy lười biếng, nằm ôm nhau ngái ngủ. Hơi ấm. Sự không-nói-chuyện dễ chịu nhất thế gian. Tiếng lũ chim líu lo cãi nhau ngoài cửa sổ. Vạt nắng xuyên qua khe cửa, soi rõ từng hạt bụi li ti trong không khí. Giỡn nhau vài nhịp, rồi lại thiu thiu “nướng” nốt.

• Một ngày thu Hà Nội, mẹ cuốn chả giò từ sớm. Cả nhà ểnh ương ăn xôi sáng, xem “Văn Hoá – Sự Kiện – Nhân Vật” trên TV. Bình luận vài câu. Ba thỉnh thoảng kể một câu chuyện cười. Mẹ ngồi sáng tác thơ để làm caption ảnh sắp post lên Facebook. Chị làm việc trên laptop. Ngoành đi ngoảnh lại tới trưa. Bữa chả giò ngon đúng điệu cuốn rau sống rửa năm nước để ráo. Giòn rụm, nóng bỏng lưỡi, dậy mùi nấm hương mộc nhĩ, ăn đưa cơm miễn bàn. Giờ mà có thì gì cũng không đổi.

• Sài Gòn Quận 1, mẹ chở sang nhà ông bà ngoại với bác Liên. Được ăn rau câu nhà làm. Được ông dẫn đi mua gói xì-nách (snack) cua màu xanh lá với hộp bút chì màu. Được nằm yên để bác xoa lưng, mắt lim dim theo chương trình cải lương bà mê xem mỗi tối.

• Trung Thu, ba mẹ đèo xe máy lên Hàng Mã chật như nêm. Cố chen chúc cho bằng được để sờ vào những chiếc đèn lồng, mặt nạ hoá trang xanh đỏ. Giáng Sinh, sáng dậy thật sớm, hồi hộp đi tìm hộp quà “ông già Nô-en” để lại đêm qua. Tìm thấy quà, lá thư viết cho ông biến mất, chắc ông đã đến lấy đi rồi.

• Lớp đại học cuối cùng của ngành truyền thông. Tất bật mượn ống kính của người này, mic của người kia để quay bài phóng sự. Chăm chú lắng nghe, khẽ ra hiệu cho bạn dẫn tiếp tục quay để nhân vật trút nốt bầu tâm sự, mắt rưng rưng. Thức cả đêm dựng bài. Để đến khi có thành quả xem lại lòng cứ rộng ràng một nỗi vui khó tả.

• Gặp lại người bạn thân “cũ” sau rất nhiều ngày chẳng nói chuyện. Vẫn bắt kịp những câu chuyện của nhau. Vẫn đùa nhau chí choé, nhưng có gì đó đã sâu lắng hơn. Khẽ ngỡ ngàng bởi sự trưởng thành của nhau. Có những sự thay đổi thực sự làm mình mừng quá đỗi. Cho bạn, cho mình.

• Vùng đất mới. Ra khỏi sân ga mùa đông một thành phố nhỏ, lặc lè kéo vali lên ngọn đồi dốc đứng, ngó nghiêng tìm đường. Chợt khựng lại bởi ánh hoàng hôn “hoàn hảo,” dát vàng một khoảng trời. Ánh nắng cuối ngày đậu trên từng tán lá xanh ươm, thoắt ẩn thoắt hiện, đẹp ngỡ ngàng. Đôi bạn già ngồi trên ghế đá cũng ngẩn ngơ ngắm nhìn khoảnh khắc kì diệu của tạo hoá. Một vẻ đẹp tính bằng tích tắc, khiến người ta phải nín thở, tiếc nuối nhìn nó trôi qua như bóng câu.

Leave a Reply

Your email address will not be published.