Montreal: Gánh Xiếc Của Mặt Trời | P2

Xem phần 1 tại đây.

Chợ Jean-Talon ở khu phố Ý, Montreal (Jean-Talon Market in Little Italy).

Xem phần 1 tại đây.

Không chỉ có Anh và Pháp, sau Thế Chiến thứ hai, dân nhập cư đổ xô từ Á, Âu, Phi đã biến Montreal (thời ấy đang hưng thịnh) thành một trung tâm văn hoá lớn. Điều này thể hiện rõ qua nền ẩm thực phong phú của địa phương.

Ẩm thực của dân tứ xứ

Theo chỉ dẫn của Darren, tôi mò tới một nhà hàng tên “Modavie” để thưởng thức món súp hành tây kiểu Pháp (French Onion) và Poutine (món ăn đặc sản Montreal). Người phục vụ thấy tôi đi một mình, thỉnh thoảng lại tạt qua hỏi chuyện cho tôi …đỡ buồn. Tôi thì không còn hơi sức đâu để buồn vì đang bận nếm món súp dậy mùi hành, loãng và đậm vị như nước phở Việt Nam, chỉ khác là trên mặt bát súp có phủ một lớp phô mai bỏ lò được khò xém lại, dẻo quánh và bên dưới là rất nhiều hành tây ăn dai dai như thạch. Bên kia phòng, ban nhạc đang chơi những bài nhạc jazz bất hủ dưới ánh đèn vàng lung linh làm tôi thấy ấm sực cả người mặc cho ngoài trời đang mưa rả rích.

Tuy nhiên, món poutine lại làm tôi có chút hụt hẫng. Món này gồm khoai tây chiên ăn kèm với thịt, phô mai, và sốt gravy sánh mịn. Tôi còn gọi thêm thịt cừu để ăn cho no, nhưng mới ăn nửa đĩa đã ngán không tiếp tục được nữa. Vớt vát lại bữa ăn là ly cocktail thơm mùi chanh đào, ăn với thịt cừu rất hợp vị.

Một món ăn khác rất bình dân nhưng lại được lòng dân địa phương là bagel (bánh vòng). Món này người Mỹ hay mua trong siêu thị về dự trữ để ăn sáng kèm với kem cheese (phô mai), mứt, hoặc bơ mặn. Bản thân tôi trong những năm đại học cũng ăn rất nhiều bagel đến phát chán, nhưng cũng tò mò muốn thử xem bánh này ở Montreal có gì khác.

Tiệm St. Viateur nổi tiếng với những chiếc bánh bagel nhào bằng tay và nướng trên lò củi. Bước vào tiệm bánh hẹp, tôi thấy ngay một bức tường treo kín những bài báo, bức ảnh chụp ông chủ và những nhân vật nổi tiếng đã vài lần ghé qua tiệm. Quả không hổ danh, sau khi cắn một miếng ngập răng vào chiếc bánh nóng hổi mới ra lò, tôi quên sạch những cái bánh bagel mình đã ăn trước đó. Bánh thơm mùi mè rang, có độ xốp, giòn và vị “khói” (smoky) chỉ “làm cho ra” được khi nướng bằng lò củi. Tôi và những vị khách khác chẳng nề hà việc tiệm không có lấy một chiếc ghế, cứ đứng ngấu nghiến cho đến khi no nê bánh vòng mới thôi.

Nghe nói cộng đồng người Ý ở Montreal khá đông nên tôi cũng có ra khu chợ Jean-Talon ở khu phố Ý thăm thú. Vào mùa hè, hàng trăm thương lái đổ về chợ để bán thực phẩm, hoa trái, đồ lưu niệm. Đây những xô đầy ắp sò, vẹm; kia thớ thịt mỡ tươi rói. Những trái cà chua đỏ au, dâu chín mọng nước, xoài vàng óng nhìn phát thèm. Nhưng thứ tôi thích nhất lại là những chậu hoa đủ hương đủ sắc, sáng bừng cả một khu chợ. Chỉ buồn là tôi không có chỗ để trưng, nên đành tiếc rẻ hẹn dịp khác đến khuân hết về.

Một chiếc xe đẩy chở được tận…6 em bé – cảnh tượng ngộ nghĩnh ở chợ Ý Jean-Talon.

Trạm dừng chân cuối trong công cuộc ăn uống của tôi là một quán bia tự nấu có tên “Dieu du Ceil!” (có nghĩa là “Ơn Chúa!”). Chỉ là quán bia nhỏ thôi mà nhìn sơ sơ qua cũng có tầm 17 loại. Nghe lời anh chủ quán giới thiệu, tôi gọi một ly “Rosie D’Hibicus” được ướp với hoa dâm bụt. Mới uống vài ngụm mà tôi đã thấy thấm, hai má chợt ửng lên. Giá mà có lát thịt hun khói và miếng pho mát nhắm cùng thì ngon phải biết.

Đại hội ánh sáng của những vị thần

Phần lớn người dân Montreal đều là tín đồ thuộc Giáo hội Công giáo Rô-ma (Roman Catholic) nên thành phố này có rất nhiều nhà thờ. Mark Twain từng nói “Không thể ném một cục gạch mà không làm vỡ cửa sổ một nhà thờ nào đó ở Montreal.” Phải công nhận rằng Notre-Dame Basilica là một trong những nhà thờ ấn tượng và độc đáo nhất mà tôi từng được chiêm ngưỡng, chỉ thua Vương Cung Thánh Đường Thánh Peter ở Vatican chút đỉnh. Được xây theo trường phái kiến trúc tân cổ điển (Gothic Revival), đây cũng là nơi “quốc bảo Canada” Celine Dion làm lễ cưới vào năm 1994.

Những nhà thờ ở Montreal

Tôi book ngay show nghệ thuật ánh sáng có tên “Aura,” vô cùng tuyệt mật, không khách du lịch nào được quay phim chụp ảnh. Và quả thật là nó chỉ có-một-không-hai. Đèn vừa tắt, một khung cảnh như trong phim “Night at the Museum” hiện ra(1). Tôi nín thở. Các thánh thần lần lượt “sống dậy.” Hàng trăm ngàn tia sáng toả ra, tụ lại theo nhạc điệu, tạo nên một không gian không thể thần thánh hơn. Gian chính của toà thánh ngày thường đã đẹp, nay lại được khoác lên một chiếc áo ánh sáng huyền ảo, sắc màu.

Trong một phút giây, tôi tưởng đâu mình là cô công chúa trong câu chuyện cổ tích thời thơ ấu. Ngồi trên băng ghế gỗ mà tôi như đang bay lâng lâng trong một thế giới thần tiên nào khác, mãi không tiếp đất được. Ra khỏi Nortre Dame, tôi băn khoăn mãi về những gì mình vừa chứng kiến. Tuy rất đẹp, nhưng tôi vẫn chưa quen với kiểu kết hợp một show có phần “giải trí” với một nơi thờ phụng trang nghiêm như thế này. Nhưng dù sao đi nữa thì thật sự thành phố Montreal cũng rất điêu luyện trong việc làm mới những điều cũ kĩ.

Một góc bên trong toàn thánh Nortre Dame.

Montreal: Gánh Xiếc Của Mặt Trời | P3

Chú thích:

(1) Bộ phim viễn tưởng của đạo diễn Shawn Levy. Phim bắt đầu khi người bảo vệ Larry nhìn thấy những hiện tượng kì lạ xảy ra trong bảo tàng nơi anh canh gác. Đêm xuống, toàn bộ các cổ vật lịch sử đều sống dậy, cử động, nói chuyện như người thật, tạo nên những tình huống dở khóc dở cười.

Leave a Reply

Your email address will not be published.