Trà đạo một ngày…| P2

English version coming soon!

Xem phần 1 tại đây.

Mỗi buổi trà đạo mang một chủ đề xuyên suốt, đồng nhất từ vị trà tới hoa văn trang trí trên chén và trong trà thất. Buổi thưởng trà hôm ấy của tôi được lấy cảm hứng từ ánh trăng. Người Nhật tin rằng con người là một phần của tạo hoá, ngang hàng với mặt trăng, mặt trời, cây cỏ, dòng sông thay vì đứng ở bậc cao hơn.

Văn hoá trà đạo nói riêng và văn hoá Nhật nói chung nhấn mạnh việc con người tồn tại được là do sự liên kết của rất nhiều yếu tố trong vũ trụ. Giống như không phần nào của một Mandala (Mạn-đà-la)(1) có thể tách riêng ra mà vẫn trọn vẹn được. Bởi vậy, chúng ta cần thoát ra khỏi giới hạn của bản thân để kết nối với thiên nhiên và thế giới rộng lớn ngoài kia, để học hỏi từ vạn vật xung quanh đang biến đổi từng ngày.

Trong nghệ thuật trà đạo, không gian (trà thất và vườn) nắm một vai trò rất quan trọng. Ở phần này, tôi sẽ chia sẻ về ý nghĩa của một khu vườn theo phong cách Nhật dựa trên những gì tôi có dịp được quan sát, tiếp thu.

Vườn cây vô thường

Kết thúc nghi lễ, tôi tha thẩn dạo quanh khu vườn bên ngoài trà thất, chơi với mấy chú cá chép Koi vừa giật mình ngoi lên khi thấy động, đỏ cam rực một góc hồ. Đàn cá con nào con nấy mập lẳn, tung tăng bơi luồn qua những ngọn núi cùng ngôi đền được mô phỏng tí hon, trông thanh thản đến “ghét.”

Việc vay mượn cảnh quan thiên nhiên bằng cách thu nhỏ chúng gọi là shakkei, được sử dụng phổ biến trong nghệ thuật sắp đặt vườn của người Nhật. Tôi đọc được điều trên trong một quyển sách có tựa đề “Âm thanh của cây hoa anh đào” (The Sound of Cherry Blossoms) viết về cách thiết kế một khu vườn theo trường phái dharma art – nghệ thuật dựa trên thiền – trải nghiệm với một cái đầu mở, không phán xét.

Một khu vườn có khả năng đem chúng ta về thì hiện tại. Lâu lắm rồi tôi mới có thời gian để cảm nhận những âm thanh khẽ khàng nhất – tiếng thác nước nhỏ ngoài vườn chảy róc rách, tiếng chim ríu rít, tiếng nước lục bục trong ấm, tiếng gió hiu hiu trong một buổi chiều thu đem lại sự an nhiên trong tâm hồn.

Một khu vườn dạy chúng ta buông bỏ những ràng buộc. Tác giả cuốn sách có nói, hãy nhìn dòng nước khi gặp hòn đá thì khẽ rẽ hướng thật nhẹ nhàng chứ không nhất quyết chảy theo đường thẳng. Vì cuộc sống vô thường, đến cây còn thay lá theo từng mùa, thì bạn và tôi cũng không nên cứng nhắc mà cần nhu cương đúng lúc, thích ứng với nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Một khu vườn phản chiếu bản thân ta. Nếu không tin, bạn quan sát mặt hồ lúc phẳng lặng lúc lại gợn lên từng cơn. Hãy nhìn lên đám mây trên đầu lúc trôi lững lờ lúc lại ầm ầm sấm chớp. Mặt hồ, đám mây đó chẳng phải giống như cái đầu của chúng ta, lúc thanh thản, yên vui lúc lại vô cùng bất an, lo lắng hay sao?

Cân bằng và hoà hợp

Nét đẹp truyền thống Nhật Bản hướng tôi đến với sự cân bằng và hoà hợp. Về với cuộc sống thường ngày, tôi tập kết bạn với cảm xúc của mình, tiêu cực, tích cực, buồn vui, phẫn nộ. Trên phương diện của một người “ngoài lề,” tôi chú ý đến chúng, nhìn ngắm chúng, nhưng tuyệt nhiên không cố dập tắt hay can thiệp những xúc cảm của mình.

Hôm nay trời trở lạnh, làm tôi nhớ quá chén trà thơm ấm sực hôm nọ. Và cũng nhớ quá những ngày gió mùa đông bắc, hồ hởi “bám càng” chị gái tới lễ hội chuông gió được tổ chức bởi một trung tâm văn hoá Nhật nằm sâu trong con hẻm trên phố Núi Trúc, mê mẩn nghe tiếng chuông cứ leng keng mãi không thôi…

Chú thích:

(1) Mandala: Trong Phật giáo và Ấn Độ giáo, Mandala là biểu tượng của vũ trụ và vòng tròn luân hồi của cuộc sống. 

Nguồn ảnh: Wikimedia

Những gì tôi viết ở trên cũng là những giá trị cốt lõi trong thiền. Gần đây tôi có dùng app Headspace trên App Store để tập thiền, muốn chia sẻ với bạn nào có hứng thú muốn thử qua.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *