Montreal: Gánh Xiếc Của Mặt Trời | P1

Montreal xưa như một vị hoàng hậu ngày đêm bận rộn với những buổi yến tiệc, khiêu vũ. Montreal nay chuyển mình thành một cô hoạ sĩ trẻ mải mê tìm kiếm cảm hứng mới cho tác phẩm của mình. Nhưng tâm hồn ấm áp và nét kiêu hãnh vẫn không hề thay đổi.

Phàm đã là sinh viên, ai không dành vài mùa hè để đi thực tập. Hè năm ngoái, tôi trúng tuyển vị trí thực tập trong hai tháng rưỡi tại một công ty phi lợi nhuận ở bang Boston, Mỹ. Được đi làm công việc lương khá nhưng tôi vẫn cứ thấy thiếu thiếu.

Chuyện là hè nào tôi cũng cố đi du lịch một lần cho biết đó đây, vậy mà hè này phải tập làm người lớn, chẳng có thời gian nên lấy làm ấm ức. Thấy vậy, bạn trai tôi gợi ý, “Hay em đi một chuyến solo trước khi bắt đầu vào làm?”

Tưởng chỉ nói chơi, anh chàng đâu có ngờ mình đã châm ngòi cho ngọn lửa ham vui trong tôi bùng cháy. Vậy là nội trong 2 tiếng kể từ khi anh dứt câu, tôi đắc chí nghe hòm thư điện tử kêu ting ting liên tục, báo những chiếc vé đi 2 thành phố Montreal và Quebec (Canada) đã được book thành công ngay trước thềm đợt thực tập căng như dây đàn.

Để tiết kiệm, tôi chịu đi xe bus xuyên đêm từ Philadelphia tới Toronto, rồi lại đi tàu thêm 5 tiếng nữa từ Toronto tới Montreal, tổng cộng là 17 tiếng. Giờ nghĩ lại vẫn còn thấy ê ẩm khắp mình mẩy.

Ngồi trên xe, tôi mường tượng ra một thành phố Montreal xinh đẹp, cổ kính và giàu bản sắc, không như những thành phố công nghiệp khác của Canada, đâu đâu cũng thấy bóng dáng những nhân viên công sở đóng bộ chỉnh tề, hối hả nện giày trên sàn đá hoa cương ra vào những toà nhà cao chọc trời.

Trước khi ngủ thiếp đi, tôi còn kịp tập dượt vốn tiếng Pháp ít ỏi học được trong ba năm đại học, bởi đã biết Montreal được coi là thành phố có người dân nói tiếng Pháp đông thứ hai chỉ sau Paris.

Hòn đảo 375 năm tuổi

Hoá ra Montreal không “cổ” như tôi tưởng tượng mà hiện đại theo một cách rất “dị.” Một bức tượng em bé ngồi trên ghế đá tỉ lệ y như người thật, chiếc đàn piano được bao phủ bởi tác phẩm grafiti rực rỡ, quần thể tượng của bảy người đàn ông sơn màu đỏ chói…ngồi xổm thành một vòng tròn. Nếu không tinh ý, bạn hoàn toàn có thể bỏ lỡ những công trình điêu khắc trừu tượng, là lạ ẩn nấp một cách khéo léo quanh các góc phố và toà nhà cao lớn (1).

Một tác phẩm khá…khó hiểu trên đường phố Montreal.

Chưa kịp hết hí hửng vì nhà trọ của tôi trông hệt như một toà lâu đài cổ tích(2), tôi đã lại được cô bạn lễ tân tiết lộ “Cậu đến đúng lúc quá, tuần này Montreal đang kỉ niệm sinh nhật lần thứ 375, vui hết xẩy luôn.”

Thành phố nằm giữa lòng sông Saint Lawrence này nổi tiếng là xứ sở của hội hè quanh năm suốt tháng nhằm thoả cơn thèm khát của những người dân địa phương yêu văn hoá nghệ thuật. Trong số đó nổi bật có triển lãm quốc tế Expo 67, Francofolies (đại nhạc hội), và lễ hội Just For Laugh (dịch nôm na là Cười Chút Chơi – thu hút nhiều danh hài quốc tế tới hàng năm). Bảo sao, kỉ niệm thành lập cũng phải làm thật hoành tráng.

Một tối đi dạo vu vơ, tôi giật mình dụi mắt khi thấy trên bức tường quanh toà thị chính như đang …chuyển động. Nhìn kỹ hơn mới thấy, thì ra là những đoạn phim, đoạn hoạt hoạ giới thiệu lịch sử thành phố được chiếu lên khắp các toà nhà tạo nên hiệu ứng nghe-nhìn rất “thật.” Đây là một trong những dự án kỉ niệm: du khách có thể lưu app di động có bản đồ và đầy đủ thông tin của 75 dấu ấn lịch sử cùng 30 điểm chiếu bóng, từ đó tự thiết kế cho riêng mình một tour đi bộ khám phá chỉ với chiếc điện thoại và tai nghe.

Montreal về đêm như không ngủ, khiến tôi cứ mê mải chạy theo những ánh đèn, tròn mắt xem những nhân vật – khi là người, khi là những con hải ly (con vật biểu tượng của Canada) trên tường trò chuyện, nhảy ra nhảy vào khung hình, cảm giác như được trở về thời bé, lần đầu tiên được mẹ cho xem quảng cáo trên chiếc tivi bé tẹo mới mua vậy.

Và như thế, hành trình khám phá những cái cũ, cái mới, và cái đẹp ở Montreal của tôi bắt đầu.

Old Montreal: Pug Anh và Poodle Pháp

“Syl có biết chính quyền thành phố chi bao nhiêu tiền để thắp sáng cây cầu này nhân lễ kỉ niệm không? 40 triệu đô (Canada) lận đấy!”, anh bạn người bản địa Darren tôi mới quen than thở. Bởi đây là một trong những thành phố trọng điểm về thương mại, chính trị, du lịch của Canada nên có lẽ các nhà chức trách đã thể hiện niềm tự hào có phần hơi quá lố. Darren đang nói tới cây cầu Jacques Cartier được trang bị hệ thống đèn led đắt đỏ ngay trước mắt chúng tôi.

Cây cầu này được đặt theo tên nhà thám hiểm người Pháp đầu tiên đã phát hiện ra sông Saint Lawrence (nơi hình thành Montreal ngày nay) ở Bắc Mỹ vào đầu thế kỷ 16. Dạo quanh cảng (Old Port) và phố cổ Montreal (Vieux-Montréal), tôi như được sống trong cuốn phim của thế kỷ trước. Từng là thuộc địa của Pháp, không bất ngờ khi những con đường đá, công trình kiến trúc kiên cố từ thế kỷ 17-18, và những quán cà phê xinh xinh ven đường đều phảng phất nét văn hoá Châu Âu.

Đang cố hình dung thành phố này trong quá khứ, tôi đi lạc luôn vào một hội chợ tái hiện lại Montreal dưới thời Pháp thuộc. Các cô gái bận váy đũi và mũ đội đầu trắng nhún bèo nhanh tay sắp xếp lại sạp hàng bày bán đủ loại rượu hoa quả chỉ nhấm thôi đã đê mê đầu lưỡi, khoanh xúc xích chắc nịch, và những hũ siro lá phong ngọt lịm. Những người đàn ông thì miệt mài làm gốm, đan sọt, mài dao. Tiếng trống, tiếng kèn túi rộn rã khắp phiên chợ.

Mua hai chai rượu dâu về làm quà, tôi còn nán lại xem một trận duyệt binh và màn trình diễn ăn ý của một “ban nhạc” đậm phong cách thế kỷ 18 rồi mới ra về.

Năm 1763 dưới Hiệp Ước Paris, Montreal được Pháp nhượng lại cho Đế Quốc Anh và Tây Ban Nha. Sau đó, dân Anh, Ireland, và Scotland dần dà di cư sang. Vậy mới có chuyện một nửa dân của thành phố này nói tiếng Anh, nửa còn lại nói tiếng Pháp. Đại lộ Saint-Laurent được cho là ranh giới ngăn đôi, nửa “Anh” ngụ phía tây, nửa “Pháp” ngụ phía đông, nghe thật khôi hài.

Điển hình cho câu chuyện người Anh Canada và Pháp Canada chẳng ưa nhau là tác phẩm nghệ thuật nằm ngay trung tâm Montreal Cổ có tên “Chó Pug Anh và Chó Poodle Pháp.” Chưa để tôi kịp thắc mắc, Darren đã nhanh nhảu gợi ý “ Syl có thấy bức tượng người đàn ông ăn mặc kiểu “Ăng-lê” đang ném cái nhìn trịch thượng về phía Vương Cung Thánh Đường Nortre-Dame (biểu tượng của ảnh hưởng tôn giáo từ Pháp) và người đàn bà Pháp bận đồ Chanel đang kinh khỉnh ngó cái ngân hàng Montreal (biểu tượng quyền lực của Anh) bên này không? Ấy vậy mà 2 con chó pug và poodle lại mừng húm lao ra khỏi tay chủ để chạy tới với nhau.” Thì ra tác phẩm này khắc hoạ cả mâu thuẫn lẫn khao khát được “chung sống” hoà thuận của hai đế chế từng thống trị thành phố này một thời.

Nghệ sĩ Maj Fortier là cha đẻ của 2 bức tượng đồng mang tên “Chó Anh và Chó Poodle Pháp” đặt tại quảng trường Places D’Armes, Montreal. 

Montreal: Gánh Xiếc Của Mặt Trời | P2

Chú thích:

(1)Xem thêm những tác phẩm nghệ thuật đường phố khác ở Montreal tại đây.

(2) Nhà trọ tên là Auberge Bishop, chỉ cách bến metro Guy-Concordia và đại học Concordia vài bước chân.

Vì đã đi Canada nhiều lần nên tôi có sẵn visa cho chuyến du lịch này. Nếu có ý định xin visa Canada, bạn có thể xem thêm thông tin tại đây.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *