
Mới đây, cậu bạn cùng nhà của bạn trai tôi về Việt Nam nghỉ đông – mang sang cho chiếc bánh chưng làm quà. Khỏi phải nói, chúng tôi háo hức như những đứa trẻ được thưởng kẹo. Hai đứa đem rán nửa chiếc bánh giòn rụm, một nửa ăn với hũ dưa hành mới mua ở khu chợ Việt – ngon quên đường về!
Cắn ngập răng một miếng bánh chưng, lát thịt mỡ beo béo thơm thơm lập tức tan lịm trên đầu lưỡi, quyện với vị bùi bùi của đỗ xanh và hăng hắc của hạt tiêu – các giác quan của tôi cứ như đang rủ nhau nhảy múa hò reo cả lượt vậy! Trong vòng chưa đầy 20 phút, hai đứa đã “xử đẹp” chiến lợi phẩm.
No nê xong, chúng tôi ngồi tính nhẩm mấy ngày nữa thì Tết. Anh hỏi, “Em có nhớ Tết Hà Nội không?” làm tôi ngồi ngẩn ra một lúc lâu.
…
Có, tôi có nhớ chứ.
Nhớ nhất là bó lá mùi mẹ mua sẵn từ sớm cho vào xô ngâm nước ấm để tắm “tẩy trần” cuối năm. Lá này tương truyền là có tác dụng giúp gia chủ gột rửa hết mọi sự không may của năm cũ, hướng tới một khởi đầu mới suôn sẻ hơn. Mùa đông Hà Nội khi ấy lạnh buốt, nhà lại không có sưởi hệ thống nên mỗi lần đi nhón chân trần vào nhà tắm là run bắn người, nhưng tôi nào dám bỏ qua phong tục này. Lá mùi hoà với nước nóng khi dội lên người có cảm giác vô cùng dễ chịu. Hương thơm của lá mùi già hơi the the, âm ấm, đặc biệt khó tả. Chỉ biết mỗi khi nghe mùi dậy khắp nhà là lòng tôi lại chộn rộn bởi ngày cuối cùng của năm cũng đã tới thật rồi.
Nhớ có năm ba quên mua chai champagne đỏ nên phải chạy xe đi mua cho bằng được ngay trước thềm năm mới vì tôi đòi “Năm mới là phải có vang đỏ bật nắp mới may mắn chứ ba!” Giao thừa vừa điểm là cả nhà đem khui chai rượu trong sự sung sướng hí hửng của cô con gái nhiễu sự.
Nhớ những ngày đầu năm, sang nhà bà ngoại chơi tam cúc với bà và các anh chị em họ, mà nhiều khi còn chơi ăn tiền nhé. Căn hộ bé nhỏ thôi nhưng ấm sực, đầy ắp tiếng cười. Bà ngoại chơi tam cúc rất giỏi, hầu như toàn ăn kết đôi tốt đen (1), làm phận con cháu chúng tôi luôn phải cảnh giác hết sức cao độ…
Thoắt cái mà đã 6 năm tôi trôi lơ lửng ở một “chiều không gian khác.” 6 mùa Tết, tôi mải mê chạy theo mục tiêu của riêng mình nơi đất khách, nay đây mai đó. 6 mùa Tết, nhiều thứ ở “nhà” đã thay đổi, vậy mà tôi không thể có mặt để chứng kiến.
Bà ngoại và bà nội đã về với tổ tiên, các anh chị em cũng người vào Nam ra Bắc, không còn tụ họp đông đủ được như xưa. Tắm nước lá mùi không còn là điều quan trọng nhất định phải làm của tôi như những ngày còn bé nữa. Ba mẹ mỗi năm cũng đã quen đón cái Tết giản dị vắng tôi. Hôm vừa rồi, lên Google Drive mò lại ảnh người cũ chụp tôi đang cười toe toét đốt pháo đón Tết, cũng thấy bị xoá đi mất rồi.

Trong bài hát ru mà cô vú em đặc biệt Mary Poppins hát cho lũ trẻ nghe trong bộ phim Sự trở lại của Mary Poppins (2) tôi mới xem, có một đoạn tôi rất thích:
“Memories you’ve shed gone for good you feared
They’re all around you still though they’ve disappeared
Nothing’s really left or lost without a trace
Nothing’s gone forever only out of place
So maybe now the dish and my best spoon
Are playing hide and seek just behind the moon
Waiting there until it’s time to show
Spring is like that now far beneath the snow
Hiding in the place where the lost things go.”
Dịch: “Những kỉ niệm xưa, ta sợ đã bỏ ta đi
Thật ra chúng vẫn luôn quanh đây
Không gì thật sự mất đi mà không để lại dấu vết
Không điều gì thật sự mất đi, có chăng chỉ ở sai chỗ mà thôi
Vậy nên có lẽ cái đĩa và chiếc thìa ta thích nhất
Đang chơi trốn tìm sau ánh trăng kia
Chờ đợi đến thời điểm có thể xuất hiện
Mùa xuân cũng vậy, đang ẩn mình dưới lớp tuyết dày
Trốn ở nơi của những điều bị đánh mất.”
Bạn có tin rằng tất cả những đồ vật chúng ta làm mất, những kỉ niệm ta bỏ lỡ, đều tụ tập lại ở một nơi nào đó bình yên?
Ở xứ sở xinh đẹp ấy, có xô lá mùi thơm, chai rượu vang đỏ, những bức hình vừa bị xoá. Có 6 mùa Tết tôi xa nhà, mấy chục cái bánh chưng tôi chẳng được ăn, và có cả người bà “cao thủ” của tôi đang ngồi đánh tam cúc với các cụ ông cụ bà khác, cười khà khà mỗi khi ăn được kết đôi vậy đó.
…
“Em có nhớ Tết Hà Nội không?”
“Em có, và em biết có những điều sẽ mãi vẹn nguyên, luôn ở đó chờ em trở về khi đã thấm mệt sau những chuyến đi dài.”
Chú thích:
(1) Kết đôi tốt đen: Khi người cầm cái gọi đôi và kết ván bằng đôi tốt đen mà không ai có đôi cao hơn (xe, pháo, mã, tượng…) để bắt thì người đó sẽ thắng rất đậm. Lối chơi này khá khó và mạo hiểm.
(2) Sự trở lại của Mary Poppins (Mary Poppins Returns): Phần 2 của bộ phim Disney rất nổi tiếng “Mary Poppins” được chuyển thể từ cuốn sách cùng tên của tác giả Pamela Lyndon Travers. Phim kể về cô vú em Mary Poppins một ngày bỗng xuất hiện để chăm sóc lũ trẻ nhà Banks và đem tới phép màu đặc biệt, những cuộc phiêu lưu, và những bài học quý giá của tuổi thơ.