English version coming soon!
“Trước khi thưởng thức, các bạn cẩn thận ngắm nghía hoa văn trên chén trà để bày tỏ sự tôn trọng gia chủ. Sau đó xoay nhẹ chén hai lần theo chiều kim đồng hồ để tránh chạm môi vào hoa văn trên đó, rồi mới thưởng thức.”
Với một người theo chủ nghĩa “phồn thực” như tôi, để không uống ực luôn một hơi mà có đủ kiên nhẫn thực hiện từng bước một theo lời chỉ dẫn của vị nghệ nhân, quả không dễ dàng.
Nước nóng cho trà
Tôi đang ngồi quỳ gối trong một buổi chanoyu (dịch nôm na là “nước nóng cho trà”) để trải nghiệm nghệ thuật trà đạo Nhật Bản.
Có câu nói vui là trên thế giới chỉ có hai loại người, nghiện uống cà phê và mê uống trà. Tôi đích thị là loại thứ hai. Tuy trong những ngày ngồi mòn mỏi trên giảng đường đại học vẫn thường nhờ tới sự “cứu rỗi” của những ly cà phê đen đắng ngắt, tách trà Earl Grey không đường với tôi mới thực sự là chân ái. Bởi vậy, chẳng thể đợi tới khi đặt chân đến đất Nhật, tôi quyết tâm tham gia nghi lễ trà đạo của Trường Trà Omotesenke, trong không gian thanh tịnh của Trà Thất Shofuso nằm ngay tại thành phố Philadelphia nơi tôi sống.
Không chỉ hiểu thêm về trà đạo, tôi ra về với nhiều chiêm nghiệm về sự cân bằng, hoà hợp với bản thân, không gian, và thời gian – yếu tố cốt lõi trong văn hoá xứ sở anh đào.
Đón lấy chén trà còn âm ấm, tôi nâng lên chăm chú quan sát, dù màng hơi nước mờ ảo đã kịp đọng lại trên mắt kính. Chén trà được đem ra mời khách trong những buổi trà đạo thuộc hàng cực phẩm, độc nhất vô nhị không chiếc nào giống chiếc nào. Chiếc chén của tôi làm bằng gốm, gọi là oribe chawan, được cách tân từ loại chén chawan truyền thống, nhưng vẫn giữ được kiểu dáng sâu lòng, thấp nhưng rộng vừa vặn một bàn tay. Đến giờ tôi vẫn băn khoăn mãi về tên của loài hoa được vẽ thủ công tinh xảo trên ấy. Hoa màu xanh nhẹ như mây trời, từa tựa anh đào, đính hờ trên cành nom thật mỏng manh, thanh nhã.
Nước trà bên trong sánh mịn, đặc không thấy đáy, màu xanh lục điểm những hạt bọt li ti “bất trị” nổi trên bề mặt. Để tạo được bọt như vậy, người nghệ nhân phải dùng cây đánh trà làm từ tre chasen, khuấy đều tay bột trà xanh matcha với nước được đun không quá nguội cũng không quá sôi, đòi hỏi kĩ thuật điêu luyện và tinh thần tập trung cao độ.
Người Nhật xưa nay được mệnh danh là những bậc thầy của sự tỉ mỉ và tinh tế. Bạn hãy nhìn cách những đầu bếp sushi lão làng tay thoăn thoắt xẻ thịt cá bằng con dao sắc lẹm, tay chậm rãi nắn cơm cùng thớ cá ngừ đỏ au tươi rói bên trên, tưởng đơn giản mà lắm công phu. Một itamae phải trải qua hàng chục năm khổ luyện bắt đầu từ dọn dẹp, quét tước tới nấu cơm sao cho đúng điệu mới có ngày được …đứng trước cái thớt làm sushi. Tương tự, nghệ nhân trà đạo là danh hiệu cao quý chỉ sau nhiều năm học hỏi, tập rèn sự điềm tĩnh, nhuần nhuyễn trong từng động tác mới đạt được.
Nếu như các itamae được ví như “chơi với dao” thì teishu (người pha trà) cũng như “múa với nước.” Mỗi thao tác nhỏ từ mở cửa, rót trà, mời bánh bằng tay nào đều chứa đựng ý nghĩa riêng trong Thiền Tông (Zen Buddism).
Loại trà tôi được uống thử là Usucha. Đầu tiên, nghệ nhân trà đạo lau khô dụng cụ pha trà bằng một tấm khăn lụa fukusha và tráng qua nước lấy từ chiếc ấm sắt furo đang nghi ngút ngay trước mặt để làm nóng dụng cụ. Sau đó, họ dùng một chiếc muỗng bé có cán dài chashaku để xúc bột trà rồi chế nước ấm vào chén. Công đoạn khó nhất là đánh trà sao cho bông bọt lên ở chính giữa.
Xong việc, nghệ nhân cầm chén lên bằng tay phải và đặt lên lòng bàn tay trái của mình, xoay chén 2 lần ngược chiều kim đồng hồ, đặt lên trên chiếc chiếu tatami nơi khách ngồi, khẽ cúi đầu mời. Những vị khách quan trọng sẽ được uống đầu tiên. Họ cũng cúi đầu cảm ơn, thưởng trà và khen ngợi gia chủ. Tiếp, các khách khác lần lượt được mời trà. Cũng có những buổi, một chiếc chén sẽ được truyền qua tay nhiều người, mỗi người một ngụm cho tới hết thì thôi.
Trước mỗi nghi lễ trà đạo, người chủ nhà tất bật gửi thiệp mời, dọn trà thất, cắt tỉa vườn tược, chuẩn bị bữa tối từ sớm. Trà sẽ được tiếp đãi sau bữa cơm thân mật để “tráng miệng.” Cả qui trình kéo dài tới 4,5 tiếng đồng hồ này làm tôi chợt liên tưởng tới món dimsum trong ẩm thực Trung Hoa mà có lần anh bạn người gốc Trung của tôi bật mí “Những người cao tuổi ở nước tớ rất thích ăn dimsum, mà không phải ăn vội vàng như bọn mình đâu nhé, họ ngồi lai rai trà bánh từ sáng tới xế chiều luôn ấy.” Xem ra những nước Châu Á luôn chuộng “ăn chậm” để thưởng thức, khiến tôi xấu hổ quá chừng vì mấy năm nay toàn ôm ổ bánh mì kẹp thịt nguội mua vội chạy xộc vô lớp ăn cho kịp giờ.
Nhưng vị ngọt của miếng mochi xoài dẻo quánh đem tôi về với thực tại. Vừa hớp một ngụm trà đắng dịu, thanh thanh thơm mùi matcha, tôi vừa cố dằn lòng để dành miếng bánh bé bằng vỏn vẹn hai ngón tay, sợ ăn hết trước khi chén của mình được rót thêm lần nữa.
Chú thích:
Tìm hiểu thêm về các bước cụ thể trong nghi lễ trà đạo tại đây.
Các bạn tới Philly muốn tham quan Trà Thất Shofuso có thể thao khảo giá cả và lịch sự kiện tại đây.